logo-image

Phân biệt 3 hoạt chất tẩy tế bào chết hóa học AHA - BHA - PHA

  • 18-11-2021

Tẩy tế bào chết hóa học là phương pháp loại bỏ tế bào chết bằng chất tẩy acid,  giúp làn da trở nên mịn màng, thông thoáng và đều màu hơn. Trong đó, AHA - BHA - PHA là những hoạt chất được sử dụng nhiều nhất. 

Vậy bạn đã phân biệt được 3 hoạt chất này chưa? Hãy cùng PlatformX tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

Tại sao nên tẩy tế bào chết hóa học?

Bên cạnh phương pháp tẩy tế bào chết cơ học truyền thống, ngày nay giới làm đẹp ưu ái dùng các sản phẩm có khả năng tẩy tế bào chết hóa học. 

Nếu phương pháp tẩy tế bào chết vật lý thường dùng các hạt tinh thể massage nhẹ nhàng và rửa sạch mặt ngay sau đó, thì các sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học chỉ cần để trên da trong khoảng thời gian quy định rồi rửa đi. 

Hoặc thậm chí, một số loại được cho vào các sản phẩm ở những bước dưỡng da cơ bản như nước cân bằng, serum, kem dưỡng… để bôi và lưu trên da suốt nhiều giờ liền, có khi là để qua đêm.

Phương pháp tẩy tế bào chết hóa học sẽ giúp tế bào da tái tạo hàng tháng hoặc lâu hơn, làm chậm quá trình lão hóa đi đáng kể mà không gây tổn thương đến làn da. 

AHA là gì?

AHA (Alpha hydroxy acid) là hoạt chất tẩy da chết hóa học tan trong nước và hoạt động chủ yếu trên bề mặt da. 

Cách thức hoạt động của AHA là nới lỏng các liên kết giữa lớp trên cùng của da, đồng thời hoạt chất này còn có khả năng tăng lượng Collagen để tạo độ săn chắc cho da. 

Hầu hết các phân nhánh trong nhóm AHA đều có gốc hydroxy (-OH) giúp tăng khả năng giữ ẩm tự nhiên của da nên loại tẩy da chết hóa học này sẽ không làm khô da. 

Một số nghiên cứu cho thấy, AHA giúp da cải thiện các tổn thương do ánh mặt trời gây ra. Vì lẽ đó AHA thường ít gây kích ứng hơn và phù hợp với da thường đến da khô, ít nhạy cảm và đã xuất hiện dấu hiệu lão hóa.

Một số acid thuộc nhóm AHA thường được sử dụng trong sản phẩm dưỡng da: Glycolic acid, Malic acid, Citric acid, Lactic acid.

BHA là gì?

BHA (Beta hydroxy acid) là hoạt chất tẩy da chết tan trong dầu và hoạt động bên trong lỗ chân lông để giải quyết các tình trạng bít tắc. Chính vì lẽ đó, BHA sẽ phù hợp với là da dầu, lỗ chân lông to, bề mặt da kém phẳng mịn và mụn (tắc nghẽn là nguyên chính hình thành mụn). 

Nhiều nghiên cứu cho rằng, BHA còn có khả năng làm dịu các kích ứng, nên các làn da nhạy cảm vẫn dùng được. Tuy nhiên, hãy chọn những sản phẩm có nồng độ thấp nếu da bạn quá nhạy cảm, hoặc lớp màng tế bào đã từng bị tổn thương.

Đối với mỹ phẩm có chứa BHA ở dạng thông thường, nồng độ sẽ rơi trong khoảng từ 0.5 đến 2%). Khi độ pH của da càng thấp thì hiệu quả của BHA càng tăng, đồng thời cũng tăng độ kích ứng và cảm giác châm chích trên da (Howard Murad).

PHA là gì?

Nhờ cách thức hoạt động và cấu trúc phân tử mang nhiều điểm tương đồng nên PHA (Poly Hydroxy Acid) được xem là thế hệ mới của AHA. Về cấu trúc phân tử, PHA có nhiều nhánh liên kết hóa học hơn AHA nên sẽ ít gây kích ứng da hơn AHA. 

Tóm lại, PHA vẫn mang đặc tính làm sạch da chết, nhưng hoàn hảo hơn cho da nhạy cảm và thiếu ẩm. Song, tác dụng tẩy tế bào chết và giải quyết các vấn đề da (ví dụ như mụn) của PHA sẽ không rõ rệt và nhanh chóng như AHA hay BHA.

Phổ biến nhất trong nhóm PHA là ba thành phần: Gluconolactone, Lactobionic và Maltobionic. Trong nhóm PHA, Gluconolactone có kích thước phân tử nhỏ nhất, sau đó là Lactobionic và cuối cùng là Lactobionic acid. 

Mặc dù đặc điểm chung của AHA/BHA/PHA là như thế, nhưng ngày nay các hãng mỹ phẩm đã ứng dụng công nghệ hiện đại tạo nên những dạng thức đặc biệt mang tính độc quyền, cùng việc kết hợp khéo léo giữa các chất khác trong bảng thành phần nên ít nhiều các sản phẩm ngày nay khá lành tính và dễ dùng. 

Nếu là lần đầu sử dụng, bạn hãy tập làm quen với các sản phẩm có nồng độ thấp hoặc tuân theo sự chỉ dẫn của chuyên viên để tìm ra được sản phẩm phù hợp nhất, hạn chế tối đa tình trạng kích ứng. 

Vì các hoạt chất tẩy da chết hóa học thường khiến da nhạy cảm dưới ánh mặt trời nên đừng quên sử dụng thêm kem chống nắng để bảo vệ da tốt hơn.

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú nên lưu ý gì khi tẩy tế bào chết?

Dưới đây là những lưu ý về cách chọn sản phẩm tẩy tế bào chết khi mang thai mà các mẹ bầu cần biết để đảm bảo sức khỏe bản thân và của bé:

1. Không lựa chọn những sản phẩm tẩy tế bào chết có tính tẩy quá cao. Không nên sử dụng trong thai kỳ các chất như: isotretinoin, acid salicylic (BHA) (thành phần trong các mỹ phẩm hoặc thuốc trị mụn trứng cá), hydroquinone (thành phần trong kem tẩy trắng da), steroid,... vì những loại này có khả năng đi qua nhau thai và gây dị tật thai nhi.

2. Không được dùng cho vùng da bị trầy hay đang bị tổn thương, gây đau rát cho mẹ bầu.

3. Khi đang mang thai tháng thứ 5 hay thứ 6 thì các mẹ nhớ tránh thoa lên vùng bụng.

4. Sau khi tắm lại với nước sạch hay nước ấm, các mẹ nhớ thoa kem dưỡng ẩm để da không bị khô sau khi tẩy tế bào chết.

5. Quan trọng nhất là sau khi tẩy tế bào chết khi mang thai, cần hạn chế ra ngoài trời nắng để tránh gây bắt nắng cho da, tổn hại cho da.

Bài viết liên quan